THƯỢNG TƯỚNG VŨ LĂNG

 

THƯỢNG TƯỚNG VŨ LĂNG

Nguyễn Đình Thi

 

Cũng như các Tướng lĩnh mặt trận Tây Nguyên , Tướng Vũ Lăng cũng là một Tướng chiến trận . Ông sinh năm 1921 , tại một làng ven ngoại thành Hà Nội : xã Ngũ Hiệp - huyện Thanh Trì , trong một gia đình có truyền thống cách mạng . Năm 24 tuổi , ông tham gia đoàn quân Nam tiến đầu tiên của quân đội ta và chỉ huy chiến đấu ở mặt trận Ninh Hoà - Nha Trang với chức vụ Phó ủy viên quân sự Ninh Hoà . Tháng 6 / 1946 ông ra Bắc , tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến . Suốt 60 ngày đêm cảm tử cùng với quân và dân Hà Nội trong cương vị ủy viên tác chiến khu Đông Kinh Nghĩa Thục và cương vị Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 103 - thuộc Trung đoàn Thủ đô , Tiểu đoàn do ông chỉ huy đã lập công xuất sắc , đánh tan nhiều đợt tấn công của địch , bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước . Nổi bật là trận đánh ở nhà Sô Va ( Trường tiểu học Nguyễn Huệ - phố Hàng Tre ) và ở Trường Ke ( Trường tiểu học Trần Nhật Duật - phố Chợ gạo ) , làm cho quân địch khiếp đảm . Từ năm 1947 đến năm 1954 ông tham gia rất nhiều chiến dịch như chiến dịch Biên giới , chiến dịch Thu Đông 1947 , chiến dịch Hoà Bình , Việt Bắc ... . Trong chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 - Sư đoàn 316 , ông đã chỉ huy Trung đoàn tấn công đồi C1 , một cứ điểm quan trọng của quân Pháp ở Điện Biên Phủ . Tại đây suốt 31 ngày đêm ( từ 30/3 đến 1/5/1954 ) , Trung đoàn do ông chỉ huy đã kiên cường bám trụ , giành giật với địch từng tấc đất , từng m giao thông hào , đánh tan nhiều đợt phản kích của địch . Giữ vững trận địa đồi C1 . Tạo thuận lợi cho quân ta đánh chiếm cứ điểm Mường Thanh và giành toàn thắng trong trận Điện Biên Phủ .
Năm 1956 , ông được Quân đội cử sang Liên Xô học ở Học viện cao cấp Bộ Tổng Tham Mưu . Những năm tháng ở đây ông đã say mê học tập và trang bị cho mình nhiều kiến thức quý báu . Tháng 9/1959 , ông về nước và được giao trọng trách : Cục phó Cục nghiên cứu khoa học quân sự thuộc Bộ Tổng Tham mưu . Khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc xảy ra , ông được Bộ quốc phòng cử vào làm Tư lệnh phó Quân khu 4 ( từ 1965 đến 1967 ), một địa bàn nóng bỏng và ác liệt nhất lúc bấy giờ ở miền Bắc . Ông đã cùng Bộ Tư lệnh Quân khu ngày đêm bám địa bàn , chỉ đạo kịp thời quân và dân Quân khu 4 kiên cường chiến đấu , đánh trả tàu chiến , máy bay địch . Bắn rơi nhiều máy bay Mỹ , đảm bảo giao thông thông suốt để chi viện cho chiến trường miền Nam . Cuối năm 1967 , ông được điều động về giữ chức Cục phó Cục tác chiến , rồi Cục trưởng Cục tác chiến . Đây là một Cục quan trọng nhất trong Bộ Tổng Tham mưu , chuyên nghiên cứu , tổng hợp , đánh giá tình hình quân sự trong phạm vi cả nước , dự thảo , đề xuất những vấn đề chiến lược , chiến dịch , lập các phương án tác chiến để cấp trên ra những quyết định kịp thời , chính xác . Cũng trong thời gian làm Cục trưởng Cục tác chiến ông đã được Bộ Quốc phòng cử vào Tổ đặc biệt gồm 4 người để soạn thảo kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976 . Những năm miền Nam chiến tranh ác liệt , ông còn đảm nhiệm thêm các chức vụ : Phó Tư lệnh mặt trận Khe Sanh ( 1967 ) , phó Tư lệnh mặt trận đường 9 ( 1971 ) .
Tháng 6/ 1974 , đang là Cục trưởng Cục tác chiến , Quân đội đã “ xuất Tướng “ , tin tưởng cử ông vào chiến trường Tây Nguyên chuẩn bị cho hướng tấn công chính của ta trong năm 1975 với cương vị Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên . Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 thành công vang dội tạo nên bước ngoặt mới của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của đất nước ta có công rất lớn của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên và tướng Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh chiến dịch nhưng công lao của Tướng Vũ Lăng cũng rất lớn . Vì trước đó Tướng Hoàng Minh Thảo còn ở Khu 5 ( Tướng Hoàng Minh Thảo từ Khu 5 trở về Tây Nguyên ngày 29/ 1/1975 ) .Trên cương vị Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên từ tháng 6/74 , Tướng Vũ Lăng đã nghiên cứu , chuẩn bị , rồi bày binh bố trận chiến dịch Tây Nguyên thật hoàn hảo , từ tổ chức nghi binh đến tạo thế , cài thế , sử dụng lực lượng làm cho địch tuy rất mạnh nhưng hoàn toàn bất ngờ , trở tay không kịp và đã thành công vang dội . Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp - nguyên Chính ủy Chiến dịch Tây Nguyên kể : Chiều ngày 14/2/1975 , khi trình bày phương án tác chiến Chiến dịch Tây Nguyên trước Đại tướng Văn Tiến Dũng - Đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh , Đại tướng Văn Tiến Dũng vẫn còn băn khoăn , do dự về cách sử dụng lực lượng Sư đoàn 10 của Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên vì Sư đoàn 10 từ trước tới nay vẫn được coi là Sư đoàn đánh giỏi của Mặt trận Tây Nguyên tại sao Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên không đưa Sư đoàn 10 vào đánh Thị xã Buôn Ma Thuộc mà lại để Sư đoàn 10 đánh Đức Lập và đưa Sư đoàn 316 vừa từ miền Bắc vào đánh Buôn Ma Thuột ? Tướng Vũ Lăng lúc đó đang sốt rét nặng không đến dự được , tranh thủ lúc nghỉ Chính ủy Đặng Vũ Hiệp đã đến tận giường Tướng Vũ Lăng nằm , động viên :
- Ông có chết thì ngày mai hãy chết , còn chiều nay phải cố gắng đến trình bày , thuyết phục Đại tướng Văn Tiến Dũng để ông ấy thông qua phương án tác chiến Chiến dịch !
Và chiều hôm đó Tướng Vũ Lăng tuy còn rất mệt nhưng ông vẫn đến trình bày . Qua trình bày của Tướng Vũ Lăng về cách sử dụng Sư đoàn 10 , Đại Tướng Văn Tiến Dũng đã hoàn toàn nhất trí và thông qua phương án tác chiến của Bộ chỉ huy Chiến dịch .
Câu chuyện trên phần nào cho thấy vai trò của Tướng Vũ Lăng trong Chiến dịch Tây Nguyên quan trọng như thế nào .
Trên cương vị Tư lệnh Quân đoàn 3 từ ngày 26/3/1975 , ông đã trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 10 và các đơn vị phối thuộc đánh một trận rất bài bản tiêu diệt và làm tan dã hoàn toàn Lữ Dù 3 ( một lực lượng thiện chiến nhất của quân Nguỵ Sài Gòn ) án ngữ ở đèo Phượng Hoàng - Mà Đrac . Cắt đứt tuyến quốc lộ số 1 từ Đà Nẵng vào Nam tại Ninh Hoà , mở thông đường cho đại quân ta tiến về giải phóng Nha Trang - Cảm Ranh .
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh , quân đoàn 3 do ông chỉ huy được giao nhiệm vụ đánh từ hướng Tây Bắc vào nội đô Sài Gòn . Đây là hướng địch phòng thủ mạnh nhất trên các hướng tấn công của Chiến dịch . Với nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo các chiến dịch trước đây , ngày 29/4/1975 , Quân đoàn do ông chỉ huy đã đập tan toàn bộ tuyến phòng thủ của địch ở hướng Tây Bắc Sài Gòn . Tiêu diệt toàn bộ Sư đoàn 25 và nhiều đơn vị khác của địch . Là cánh quân chủ lực áp sát nội đô Sài Gòn sớm nhất trong ngày 29/4 . Ngày 30/4/1975 , mặc dù quân địch chặn đánh quyết liệt nhưng Quân đoàn vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ , đánh chiếm 2 mục tiêu quân sự quan trọng nhất của địch là Bộ Tổng Tham mưu và sân bay Tân Sơn Nhất . Góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam , thống nhất Đất nước .
Không những đánh trận giỏi , ông còn là một vị tướng say mê nghiên cứu khoa học quân sự . Suốt 10 giữ cương vị Giám đốc Học Viện Lục quân , ông đã chỉ đạo biên soạn được nhiều công trình quan trọng ở cấp Nhà nước và cấp Bộ Quốc Phòng được đánh giá cao . Ông cũng là một trong những người được Nhà nước phong học hàm Giáo sư khoa học quân sự đợt đầu tiên của quân đội và được Nhà nước tặng nhiều Huân chương cao quý như Huân chương Độc lập hạng nhất , Huân chương Quân công , Huân chương kháng chiến hạng Nhất và nhiều Huân chương chiến công .
Suốt 43 năm gắn bó với binh nghiệp , trải qua nhiều cương vị chỉ huy khác nhau , từ cán bộ Đại đội tới Tư lệnh Quân đoàn ông luôn tỏ rõ là một vị chỉ huy trận mạc giỏi . Mặc dù ông đã đi xa ( ông mất năm 1988 ) nhưng những người lính Tây Nguyên cũng như người dân cả nước không bao giờ quên ông một vị Tướng trọn đời , vì nước , vì dân .

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THƯ NGỎ CỦA TRUNG TƯỚNG NGUYỄN QUỐC THƯỚC VỀ VIỆC TRUY TẶNG DANH HIỆU ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN CHO CỐ THƯỢNG TƯỚNG ĐẶNG VŨ HIỆP .

TÂY NGUYÊN NHỮNG ĐỊA DANH KHÔNG THỂ QUÊN